Trang chủ » Cơ cấu tổ chức của WTO

Cơ cấu tổ chức của WTO

a. Hội nghị bộ trưởng:

           Hội nghị bộ trưởng gồm đại diện của tất cả các nước thành viên của WTO. Hội nghị bộ trưởng họp hai năm một lần. Hội nghị bộ trưởng là cơ quan quyền lực cao nhất của WTO.

          Hội nghị bộ trưởng sẽ thực thi các chức năng của WTO và thực hiện hiện những hành động cần thiết để thực thi các chức năng này. Khi một thành viên nào đó yêu cầu, Hội nghị bộ trưởng cũng có quyền đưa ra những quyết định về tất cả các vấn đề thuộc các hiệp định đa biên, theo trình tự ra quyết định được quy định tại Hiệp định thành lập WO và các hiệp định đa biên.

          Tính đến thời điểm này, WTO đã tổ chức được 6 kỳ hội nghị. Hội nghị bộ trưởng lần thứ nhất tổ chức tại Singapore vào tháng 12/1996; lần thứ hai tại Geneva, Thuỵ Sỹ, tháng 5/1998; lần thứ 3 tại Seatle, Mỹ, tháng 12/1999; lần thứ 4 tại Doha, Qatar, tháng 11/2001; lần thứ 5 tại Cancun, Mehico, tháng 9/2003; lần thứ 6 tại Hongkong, tháng 12/2005; lần thứ 7 tại Geneva, Thuỵ Sỹ, tháng 11/2009

b.  Ðại hội đồng:

           Ðại hội đồng gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, sẽ họp khi cần thiết. Trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị bộ trưởng thì chức năng của Hội nghị bộ trưởng sẽ do Ðại hội đồng đảm nhiệm. Như vậy, có thể hiểu Ðại hội đồng là cơ quan quyết định tối cao của WTO trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị bộ trưởng.

            Khi cần thiết, Ðại hội đồng sẽ được triệu tập để đảm nhiệm phần trách nhiệm của Cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc Cơ quan rà soát chính sách thương mại

             Như vậy, các hoạt động hàng ngày trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội nghị bộ trưởng thuộc trách nhiệm giải quyết của 3 cơ quan:

– Ðại hội đồng;

– Cơ quan giải quyết tranh chấp;

– Cơ quan rà soát chính sách thương mại.

            Nhưng theo như quy định của WTO, thực chất, cả 3 cơ quan này chỉ là một. Tức là tuỳ theo từng trường hợp cụ thể:

Ðại hội đồng nhóm họp với các chức năng và nhiệm vụ của Cơ quan giải quyết tranh chấp hay là của Cơ quan rà soát chính sách thương mại.

Cơ quan giải quyết tranh chấp giám sát việc thực thi các thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các thành viên (quy định tại Thoả thuận về những quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp).

Cơ quan rà soát chính sách thương mại tiến hành việc phân tích các chính sách thương mại của các nước thành viên (quy định tại Cơ chế rà soát chính sách thương mại).

c. Các hội đồng; các uỷ ban; các nhóm công tác:

·               Các hội đồng:

             Các hội đồng trực thuộc Ðại hội đồng, hoạt động theo sự chỉ đạo chung của Ðại hội đồng. Các hội đồng cũng bao gồm đại diện của tất cả các thành viên của WTO. Ðại hội đồng có các hội đồng sau:

– Hội đồng thương mại hàng hoá

– Hội đồng thương mại dịch vụ

– Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ

          Chức năng của các hội đồng là giám sát việc thực hiện các hiệp định liên quan đến lĩnh vực của mình. Các hội đồng sẽ nhóm họp khi cần thiết. Các hội đồng này thành lập ra các cơ quan cấp dưới theo yêu cầu.

·                Các uỷ ban:

            Hội nghị bộ trưởng thành lập ra các uỷ ban. Các uỷ ban cũng bao gồm các đại diện của tất cả các thành viên của WTO. Các uỷ ban này đảm nhiệm các chức năng được quy định trong các hiệp định của WTO hoặc các chức năng do Ðại hội đồng giao cho.

            Tuy cũng trực thuộc Ðại hội đồng nhưng thẩm quyền hoạt động của các uỷ ban hẹp hơn so với các hội đồng. Ðại hội đồng có các uỷ ban sau:

– Uỷ ban về thương mại và môi trường;

– Uỷ ban về thương mại và phát triển;

– Uỷ ban về hiệp định thương mại khu vực;

– Uỷ ban về các hạn chế nhằm cân bằng cán cân thanh toán quốc tế;

– Uỷ ban về ngân sách, tài chính và quản trị;

·               Các nhóm công tác:

           Các nhóm công tác cũng trực thuộc Ðại hội đồng nhưng cấp độ nhỏ hơn và hẹp hơn so với các uỷ ban. Ðại hội đồng có nhóm công tác sau:

– Nhóm công tác về gia nhập tổ chức;

– Nhóm công tác về quan hệ giữa thương mại và đầu tư;

– Nhóm công tác về tác động qua lại giữa thương mại và chính sách cạnh tranh;

– Nhóm công tác về minh bạch trong chi tiêu chính phủ;

– Nhóm công tác về thương mại, nợ và tài chính;

– Nhóm công tác về thương mại và chuyển giao công nghệ.

d. Ban thư ký của WTO:

            Ban thư ký của WTO đặt tại Geneva. Ban thư ký có khoảng 550 nhân viên. Nhân viên của Ban thư ký do Ban thư ký tuyển dụng qua thi tuyển. Ðiều kiện trước tiên là phải thông thạo 3 ngoại ngữ là ngôn ngữ chính thức của WTO là Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

            Ðứng đầu Ban thư ký là Tổng giám đốc. Tổng giám đốc của WTO do Hội nghị bộ trưởng bổ nhiệm, quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, điều kiện phục vụ và thời hạn phục vụ của Tổng giám đốc. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc là 4 năm.Tổng giám đốc sẽ bổ nhiệm các thành viên của Ban thư ký. Dưới Tổng giám đốc là các Phó tổng giám đốc. Các vụ chức năng của Ban thư ký trực thuộc Tổng giám đốc hoặc một Phó tổng giám đốc.

            Ban thư ký có nhiệm vụ:

– Trợ giúp về mặt hành chính và kỹ thuật cho các cơ quan chức năng của WTO (các hội đồng, các uỷ ban, …) trong việc đàm phán và thực thi các hiệp định;

– Trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển và kém phát triển;

– Thống kê và đưa ra phân tích về tình hình, chính sách và triển vọng thương mại thế giới;

–  Hỗ trợ các quá trình giải quyết tranh chấp và rà soát chính sách thương mại;

– Tiếp xúc và hỗ trợ các nước thành viên mới trong quá trình đàm phán gia nhập; tư vấn cho các chính phủ muốn trở thành thành viên của WTO;

Tham khảo chi tiết tại: https://tbtvn.org/

Bài viết liên quan